Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao và luôn xác định công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác PCTN đã đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể như: các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn đã ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng đã có chuyển biến. Vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, báo chí trong PCTN được đề cao. Hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN được mở rộng và ngày càng sâu sắc hơn. Những kết quả trên đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCTN, thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu ngăn chặn và từng bước đây lùi tham nhũng, lãng phí…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, như: vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức về công tác PCTN còn hạn chế, dẫn tới thiếu tự giác trong chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn mang tính hình thức; việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn chậm, kéo dài; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế... Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng ngày càng tinh vi, khó phát hiện, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, công tác tổ chức cán bộ... Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sàn của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi còn thấp. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời; công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập...
Trong thời gian qua, đã có nhiều dự án trong quá trình đầu tư tại một số đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, dự án không hiệu quả, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tồng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng do Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung là chủ đầu tư; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng (do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng (do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải - Tracodi làm chủ đầu tư; đến năm 2009, Dự án này chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam - Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư.
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết Trung ương 3 Khoá X và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực quản lý, nhất là trong mua sắm, đầu tư công; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đồng thời phải chú trọng xem xét trách nhiệm, quy trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng, lãng phí là việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Do đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của các cơ quan chức năng và giám sát của quần chúng nhân dân, qua đó tăng cường việc phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng, lãng phí.
Nhận thức rõ tác hại nghiêm trọng của vấn nạn này, Đảng, Nhà nước xác định việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề cấp bách, thường xuyên và lâu dài nhằm ổn định lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Chính phủ xác định PCTN, lãng phí (LP) vẫn là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, cần được tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn. Các cấp, các ngành phải triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN, LP có xác định trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn và xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, phải đề cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự chủ động và hiệu quả phối hợp công tác của các cơ quan chức năng PCTN. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN đồng bộ, thống nhất, khả thi, đề cao trách nhiệm tổ chức thi hành của các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng làm rõ loại thông tin phải chủ động công bố, công khai; phương thức, phạm vi, thời gian công bố; mở rộng nội dung thông tin cung cấp theo yêu cầu theo hướng tăng cường tính tự giác và chế tài nghiêm khắc.
Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế phát hiện hành vi tham nhũng theo hướng phát huy mạnh mẽ các công cụ giám sát, kiểm tra của Đảng, kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử trong phát hiện tham nhũng; quy định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền nhằm tránh tẩu tán tài sản và các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngoài quy trình tố tụng hình sự; hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm tích cực phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện tham nhũng, gắn với trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ việc xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện, đăng tải.
Có thể nói, một trong những giải pháp trọng tâm Chính phủ đang quan tâm thực hiện trong thời gian tới là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; lãng phí, xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí bất kể người có hành vi tham nhũng là ai, ở vị trí nào. Kiên quyết thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị những kẻ tham nhũng chiếm đoạt; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về PCTN, LP ở Trung ương và các cấp, các ngành.
Tại các phiên họp thường kỳ hàng Quý, Chính phủ đều nghe báo cáo và có chỉ đạo về công tác PCTN; hàng năm Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội về kết quả công tác PCTN. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương có báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố về công tác PCTN. Các báo cáo công tác PCTN đều là tài liệu công khai theo quy định của Luật PCTN.
Để tăng cường hơn nữa sự công khai, minh bạch trong công tác PCTN, LP, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công khai, cung cấp thông tin về công tác PCTN, LP nói chung và việc xử lý, giải quyết các vụ việc tham nhũng nói riêng, tạo điều kiện để cơ quan chức năng, các tồ chức, đoàn thể và nhân dân theo dõi, giám sát./.
Thanh Nhung