Trong một nền công vụ, quy tắc ứng xử chỉ là một trong các nội dung nhưng nó lại có vai trò giúp hình thành nên nền tảng đạo đức công vụ. Mục đích đầu tiên của một bộ quy tắc đạo đức là cung cấp cho tổ chức một cột mốc làm chuẩn để thiết lập nên những giá trị và hành vi đạo đức như mong đợi, từ đó hình thành một cơ chế theo dõi, báo cáo về những hành vi lệch chuẩn. Bên cạnh đó, việc xây dựng một bộ quy tắc như vậy sẽ góp phần thể hiện được quan điểm của tổ chức về những giá trị cốt lõi, thể hiện được cam kết đối với những người làm việc trong tổ chức, những tiêu chuẩn trong hoạt động của tổ chức và mối quan hệ của tổ chức đó với xã hội. Một bộ quy tắc ứng xử được coi như là một “bản hợp đồng” giữa những cá nhân trong một tổ chức, là tuyên bố của tổ chức với bên thứ ba về những tiêu chuẩn mà họ có thể mong đợi ở một tổ chức, ở những người làm việc bên trong tổ chức đó và những người có liên quan đến tổ chức.
Thiết lập những giá trị và tiêu chuẩn ứng xử phù hợp
Ở Hàn Quốc, bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức được ban hành năm 2003 nhằm mục đích thiết lập những giá trị và tiêu chuẩn ứng xử phù hợp để giúp cho công chức không bị tha hóa, lôi kéo vào những hành vi tham nhũng khi bị đặt vào những tình huống có xung đột, bao gồm cả xung đột về lợi ích, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình. Bộ quy tắc ứng xử này có thể áp dụng cho công chức ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Theo khuyến nghị của Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc (ACRC), 404 tập đoàn và doanh nghiệp trên cả nước đã xây dựng và thực thi bộ quy tắc ứng xử riêng của mình kể từ tháng 9/2004. Tháng 7/2005, với việc sửa Điều 8 của Luật Chống tham nhũng, bộ quy tắc ứng xử được mở rộng phạm vi áp dụng sang công chức của các tổ chức có liên quan đến dịch vụ công.
Theo Điều 9 của Luật Chống tham nhũng, ACRC cũng là cơ quan có thẩm quyền điều tra và giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của công chức. Hiện nay, ACRC đang xây dựng kế hoạch ban hành một luật mới, gọi là “Luật Phòng ngừa vận động bất hợp pháp và xung đột lợi ích” để điều chỉnh riêng vấn đề xung đột lợi ích (mà hiện nay đang được quy định chung trong Bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức); đồng thời quy định rõ về hình thức xử phạt đối với vi phạm nhằm phòng ngừa và giải quyết một cách hiệu quả hơn những tình huống xung đột lợi ích mà công chức phải đối mặt. Để thực hiện kế hoạch này, ACRC đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, thu thập ý kiến chuyên gia, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi,... Bên cạnh đó, cơ quan này cũng xây dựng và phát hành “Hướng dẫn về vấn đề xung đột lợi ích” cho cán bộ, công chức, để giúp họ thực thi công vụ và giải quyết những tình huống xung đột lợi ích một cách hiệu quả hơn. “Hướng dẫn về vấn đề xung đột lợi ích” gợi ý biện pháp 4 bước (danh mục tự chuẩn đoán - tư vấn về tình huống xung đột lợi ích - quản lý xung đột lợi ích - giám sát xung đột lợi ích và thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm) để công chức có thể tự mình đánh giá về những khả năng có thể xảy ra tham nhũng và giải quyết xung đột lợi ích thông qua hệ thống tư vấn đạo đức.
Luôn nỗ lực để cải thiện công việc của mình vì lợi ích của công dân
Điều 2 của “Bộ quy tắc ứng xử cho công chức trong hệ thống hành chính nhà nước” ở Bulgaria quy định rằng, hoạt động công vụ của công chức phải được thực hiện trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc: hợp pháp, trung thành, trung thực, không thiên vị, trung lập về chính trị, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, quy tức ứng xử còn yêu cầu công chức phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp, khách quan, tận tình và phù hợp với các quy định của pháp luật. Công chức phải luôn nỗ lực để cải thiện công việc của mình vì lợi ích của công dân.
Luật Công chức ở Bulgaria cũng quy định rất cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của công chức trong quá trình thực thi công vụ, như Công chức có trách nhiệm phải thực hiện và đáp ứng không chậm trễ, đúng pháp luật những yêu cầu của công dân và giúp người dân hiểu rõ được về quyền và lợi ích hợp pháp của họ; đồng thời không được phép cư xử thô lỗ, thiếu tôn trọng hoặc không đúng mực với công dân; Mỗi công chức phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chính xác, tận tình và không thiên vị, trên cơ sở pháp luật quốc gia và quy định của tổ chức. Bên cạnh đó, mỗi công chức phải đảm bảo số giờ làm việc theo quy định và sử dụng số giờ làm việc đó để thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà mình được giao. Công chức phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên nếu mệnh lệnh đó là hợp pháp và có quyền yêu cầu cấp trên giao việc bằng văn bản nếu thấy việc giao việc trực tiếp bằng lời có thể chứa đựng yêu cầu vi phạm pháp luật.
Công chức phải tôn trọng các quyền công dân do Hiến pháp quy định
Chính phủ Nam Phi ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trong dịch vụ công” vào năm 1997. Mục đích của bộ quy tắc này là làm cho những điều khoản có liên quan trong Hiến pháp được đưa vào thực tiễn. Bộ quy tắc là một hướng dẫn dành cho công chức về những ứng xử đạo đức mà họ sẽ thể hiện trong đời sống cá nhân cũng như trong công việc của mình. Đó là bộ quy tắc được xây dựng dựa trên cơ sở các quy tắc và do đó nó bắt buộc công chức phải thực hiện, nếu không tuân thủ và hành vi đó là nghiêm trọng thì có thể sẽ bị buộc thôi việc.
Bộ quy tắc ứng xử mà Chính phủ Nam Phi đưa ra không liệt kê tất cả các giá trị cốt lõi theo từng phần cụ thể, thay vào đó, các giá trị được đề cập đến xuyên suốt bộ quy tắc ở những quy định và tiêu chuẩn khác nhau. Bộ quy tắc cũng quy định về cách thức đối xử mà công chức được mong đợi sẽ thể hiện trong quá trình tiếp xúc với người dân và đồng nghiệp của mình, cũng như trong quá trình thực thi công vụ. Công chức phải luôn hành động vì lợi ích cao nhất của người dân và phải khách quan, công bằng, lịch sự và ân cần. Công chức phải tránh mọi biểu hiện của sự phân biệt đối xử đối với bất kỳ đảng chính trị hay nhóm lợi ích nào.
Ngoài ra, công chức phải tôn trọng nhân phẩm con người, các quyền công dân do Hiến pháp quy định và quyền tiếp cận thông tin. Quy tắc cũng chỉ ra cách thức mà công chức phải ứng xử trong quá trình thực thi công vụ, cách để tránh xung đột lợi ích và cách ứng xử trong cả môi trường công và tư. Tuy nhiên, bộ quy tắc này cũng nêu rõ rằng mặc dù mục đích là xây dựng một bộ quy tắc toàn diện, nhưng sẽ vẫn có những quy tắc còn chưa được đề cập đến. Trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức là phải đảm bảo sao cho những nguyên tắc, quy tắc và giá trị căn bản đối với dịch vụ công phải được các công chức tuân thủ nghiêm túc. Do đó, cần phải đảm bảo rằng mọi công chức đều hiểu và thuộc lòng những tiêu chuẩn đưa ra trong bộ quy tắc, tự nguyện chấp nhận và chịu sự ràng buộc của chúng./.
Thanh Nhung