Loading...
Skip to main content

Nâng cao hiệu quả bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng

Áp dụng các biện pháp cụ thể bảo vệ người tố cáo (TC); bảo đảm về vật chất cho công tác bảo vệ, khen thưởng người TC hành vi tham nhũng; nâng cao trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, công chức trong bảo vệ, khen thưởng người TC hành vi tham nhũng;

Tăng cường giám sát việc giải quyết TC và bảo vệ, khen thưởng người TC hành vi tham nhũng hay các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm chủ động hơn nữa trong việc tôn vinh người TC hành vi tham nhũng là những biện pháp được đưa ra tại Hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài khoa học “Bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng" của ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra.

Áp dụng các biện pháp cụ thể bảo vệ người tố cáo

Các biện pháp bảo vệ người TC là nội dung quan trọng, là yêu cầu thiết yếu của cơ chế bảo vệ người TC. Các biện pháp này cần được nghiên cứu, áp dụng đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.

Đối với yêu cầu bảo vệ thông tin cá nhân của người TC, pháp luật cần quy định việc không thể hiện thông tin cá nhân về người TC, người làm chứng trong biên bản ghi lời khai. Quy định này sẽ hạn chế khả năng tác động trái pháp luật đến người làm chứng từ phía những người quan tâm đến kết cục của vụ án. Ngoài ra, cần có quy định cấm báo chí, truyền thông đăng hình ảnh, ghi âm lời khai của người TC, người làm chứng và phải có biện pháp xử lý đối với trường hợp cơ quan báo chí vi phạm quy định này.

Bên cạnh đó, đối với yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người TC và người thân thích của người đó, có thể bao gồm các biện pháp: Bố trí lực lượng cảnh sát bảo vệ người TC, người thân của họ trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử vụ án hay trong khoảng thời gian nhất định; tạm thời đưa người TC và người thân của họ đến địa điểm an toàn trong khoảng thời gian nhất định nhằm tránh những nguy cơ tức thời, hiện hữu; tạo điều kiện để người TC và người thân của họ thay đôi nơi cư trú, công tác, học tập; xem xét áp dụng các biện pháp thay đổi nhân dạng, thay đổi giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu có thể thay đổi, sống và học tập tại nơi khác.

Còn đối với yêu cầu bảo vệ danh dự, nhân phẩm và tài sản của người TC, có thể bao gồm các biện pháp như cơ quan được giao thực hiện chức năng bảo vệ người TC sẽ xác minh, kết luận về nội dung yêu cầu bảo vệ. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì xem xét điều tra, kiến nghị khởi tố. Trường hợp không có dấu hiệu tội phạm thì yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm hại danh dự, nhân phẩm cải chính thông tin và xin lỗi công khai người TC và có các biện pháp khác xử lý trách nhiệm như xử phạt vi phạm hành chính…

Với yêu cầu bảo vệ tài sản của người TC, cơ quan công an xác minh, kết luận và yêu cầu xem xét việc bảo vệ tài sản của người TC, khi cần thiết có thể trưng cầu giám định… Với yêu cầu bảo vệ vị trí làm, thu nhập của người TC, cơ quan công an điều tra, xác minh sự việc; yêu cầu người TC tường trình bằng văn bản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu; thu thập thông tin phục vụ cho việc điều tra. Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đề nghị của người TC là hợp lý thì cơ quan công an có trách nhiệm đề nghị lãnh đạo cơ quan, tổ chức của người này có biện pháp bảo vệ vị trí công tác của họ.

Ảnh minh họa - Intenet 

Bảo đảm về vật chất cho công tác bảo vệ, khen thưởng người TC hành vi tham nhũng

Việc duy trì hoạt động của cơ quan bảo vệ người TC, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người TC đòi hỏi kinh phí đảm bảo. Nguồn kinh phí này phải được dự toán và phân bổ theo quy định của pháp luật.

Cần quy định chi tiết chế tài mà cơ quan bảo vệ người TC, người bảo vệ người TC có thể áp dụng khi thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, cần có quy định chi tiết nhằm ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ người TC trong việc bảo đảm tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản, việc làm, thu nhập của người TC. Các quy định này phải dễ áp dụng và tạo sự răn đe đối với các chủ thể có liên quan trong bảo vệ ngưòi TC, đồng thời, xác định rõ quyền, nghĩa vụ của người TC trong quá trình được bảo vệ.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về khen thưởng người TC nhằm thực sự khuyến khích, động viên người dân đấu tranh chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài khen thưởng vật chất có giá trị thực tế, cần quan tâm tuyên dương, khuyến khích người TC.

Cơ chế bảo vệ người TC, nhất là việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người TC đòi hỏi sự tốn kém về nhân lực, tài chính, trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật cho cơ quan bảo vệ người TC. Tuy nhiên, sự tốn kém này là cần thiết vi nó phục vụ cho lợi ích chung, lớn lao của nhà nước và xã hội.

Nâng cao trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, công chức trong bảo vệ, khen thưởng người TC

Trong công tác bảo vệ, khen thưởng người TC hành vi tham nhũng, đội ngũ cán bô công chức có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là những người xử lý thông tin TC. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp người TC bị lộ thông tin cá nhân do quá trình xử lý đơn thư của cán bộ, công chức. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới người TC và làm mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước.

Trong điều kiện Việt Nam đang hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ và khen thưởng người TC, điều rất cần là nâng cao đạo đức công vụ, tránh tình trạng để lộ thông tin người TC, giảm thiểu sự phát sinh công việc bảo vệ người TC và tình trạng người có thành tích xuất sắc mà không được khen thưởng. Để thực hiện tốt yêu cầu trên thủ trưởng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý TC cần đề cao trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức; áp dụng các biện pháp giám sát việc giải quyết công việc của cán bộ, công chức dưới quyền, góp phần thực thi có hiệu quả các quy định về bảo vệ, khen thưởng người TC, nâng cao uy tín của các cơ quan nhà nước, tạo lòng tin để nhân dân.

Tăng cường giám sát việc giải quyết TC và bảo vệ, khen thưởng người TC hành vi tham nhũng

Tăng cường hoạt động giám sát, nhất là giám sát của xã hội, báo chí truyền thông, người dân đối với công tác bảo vệ, khen thưởng người TC. Qua đó, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quyền TC của công dân và trách nhiệm bảo vệ, khen thưởng người TC của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Ngoài ra, không thể thiếu sự giám sát của chính cơ quan chức năng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận TC và giải quyết TC; của cơ quan có chức năng bảo vệ, khen thưởng người TC đối với chính cán bộ, công chức của mình trong việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu bảo vệ, lập hồ sơ khen thưởng người TC.

Việc giám sát bảo vệ, khen thưởng người TC tham nhũng được thực hiện bởi nhiều chủ thể có tính chất, phạm vi ảnh hưởng khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng như nâng cao năng lực quản lý, điều hành, bảo đảm việc thực hiện các chức trách, nhiệm vụ bảo vệ người TC tham nhũng được đúng đắn, phát hiện được những hạn chế bất cập để có những điều chỉnh kịp thời.

Các cơ quan có trách nhiệm cần chủ động hơn nữa trong việc tôn vinh người TC

Việc tôn vinh những người dũng cảm TC tham những cần tránh những thủ tục rườm rà, đặc biệt là những thủ tục mà người TC tham nhũng phải thực hiện khiến cho họ nản lòng. Những vướng mắc về mặt pháp luật như đã nêu trong vụ việc kể trên cũng cần sớm được khắc phục, cần quan niệm rằng dù có thưởng thế nào đi chằng nữa thì cũng chưa tương xứng với những khó khăn vất vả, những tồn thương mất mát mà họ phải chịu đựng khi theo đuổi việc TC tham nhũng./.

                                                                  Thanh Nhung


Tin liên quan