Loading...
Skip to main content

Nâng cao hiệu quả công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở nước ta

Giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) hành chính được hiểu là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm trong ban hành văn bản quản lý nhà nước về KNTC; trong tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC; trong kiểm tra, xác minh, kết luận về nội dung KNTC theo thẩm quyền.

Đối tượng của giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có thể phân làm hai nhóm, bao gồm: Nhóm các hoạt động quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; và nhóm các hoạt động giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể. Việc giám sát này được thực hiện bởi nhiều chủ thể, bao gồm các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xã hội, người dân. Các chủ thể thực hiện quyền giám sát của mình với tính chất khác nhau, trên cơ sở địa vị pháp lý cụ thể được pháp luật ghi nhận. Các cơ quan nhà nước thực hiện việc giám sát trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, xuất phát từ cơ chế phân công và kiểm soát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan hành chính nhà nước chịu sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát từ bên ngoài, mang tính xã hội nhằm giúp cơ quan nhà nước nói chung và chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước có thêm thông tin về quá trình quản lý nhà nước của mình. Người dân thực hiện giám sát với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước, giám sát lại bộ máy nhà nước để thấy được việc thực thi quyền lực nhà nước có đúng đắn hay không, có làm cản trở, ảnh hưởng đến các quyền tự do, dân chủ của người dân hay không.

Hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính đóng vai trò là một phương thức kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hoạt động giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính góp phần thúc đẩy việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tăng cường tiếng nói, sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của tập thể và nhà nước. Bên cạnh đó, giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn là một phương thức bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần hoàn thiện pháp luật và dân chủ trong đời sống xã hội. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng giám sát trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính là một yêu cầu khách quan đang đặt ra hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc, yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mục đích của việc giám sát là để nhận xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, từ đó đưa ra kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đưa ra giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.